Người Mông đu bản Chiềng Đi II, xã Vân Hồ dệt vải lanh.
Được biết, ngay từ nhỏ con gái Mông đã được bà, mẹ hướng dẫn cách se lanh dệt vải, tùy theo lứa tuổi mà học từng công đoạn của nghề. Vì vậy, trong các làng, bản của người Mông nhà nào cũng có khung củi để dệt vải và là con gái ai cũng cần phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa…Đến với bản Chiềng Đi II, xã Vân Hồ huyện Vân Hồ, bản có gần 150 hộ dân sinh sống, 100% là dân tộc Mông (chủ yếu là người Mông đu). Ngoài thời gian phát triển kinh tế, bà còn còn tập trung se lanh dệt vải, may trang phục… Ông Giàng A Phứ, bản Chiềng Đi II cho biết: trong bản hiện còn hơn 80 hộ duy trì nghề se lanh dệt vải, tuy nhiên những người dệt vải lanh có tay nghề cao không còn nhiều. Để lưu giữ nghề truyền thống này, Ban Quản lý bản vận động những phụ nữ có tay nghề truyền dạy kinh nghiệm se lanh dệt vải cho con, cháu. Bên cạnh đó, bản Chiềng Đi II còn phối hợp với Ban Văn hóa xã và Phòng Văn hóa huyện phát triển nghề dệt vải lanh của bản trở thành dịch vụ du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông.
Đến thăm gia đình bà Giàng Thị Sông, người đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề dệt vải lanh. Bà Sông chia sẻ: Đây là nghề truyền thống được thực hiện bằng phương pháp thủ công, nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người dệt vải phải khéo léo, kiên trì, nhẫn nại và chăm chỉ… Cây lanh khi thu về được phơi khô rồi tước vỏ ra thành từng sợi lanh, đem phơi khô. Quá trình se lanh và nối sợi với nhau đòi hỏi sự khéo léo, quan trọng nhất là không tạo thành mấu ở chỗ nối. Bước tiếp theo, mắc các sợi lanh vào khung quay để các sợi lanh xoắn lại thành từng cuộn, sau đó đem cuộn sợi này luộc trong nước tro khi nào sợi vải mềm thì giặt sạch, phơi khô, lăn sợi, cuối cùng cuốn vào khung cửi để dệt. Khung cửi dệt vải của người Mông đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ rộng 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách nhau khoảng 40 – 60 cm. Giữa hai thanh gỗ là trụ chính có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi.
Đặc biệt, con thoi dệt được làm bằng gỗ khá to, khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà hay cửa sổ hướng sáng, người dệt ngồi trên ghế đẩu. Thông thường thời gian dệt được 1 cuộn vải lanh dài từ 5 – 6 mét phải mất khoảng hơn 1 tháng; sau khi dệt thành tấm vải lăn qua cho tấm vải bóng, mềm, rồi tạo những hoa văn in trên tấm vải. Người Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ, sáp ong vẽ lên vải trắng tạo những đường hoa văn theo một mô típ của khối hình thoi, hình xoắn ốc, hình vuông đối xứng…Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ đem nhuộm chàm. Những đường nét có sáp ong, màu chàm không ngấm vào tạo ra những nét hoa văn chìm, nổi trông khá đẹp mắt.

Còn bà Vàng Thị Dua, bản Chiềng Đi II năm nay hơn 60 tuổi, kể: Trước đây, tôi dệt vải lanh nhanh lắm, dệt đủ cho gia đình dùng, có thời điểm mang bán để kiếm thêm thu nhập. Nay có tuổi, nên tôi ít dệt mà thường hướng dẫn con cái cách se lanh, dệt vải, may vá, thiêu thùa. Theo bà Dua, nghề này còn gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông, khi mất sẽ mặc đúng bản sắc trang phục của mình để về gặp tổ tiên.

Biết rằng, ngày nay trang phục của người dân tộc Mông có nhiều thay đổi, được may bằng loại vải công nghiệp, cách tâm có màu sắc hoa văn sặc sỡ. Tuy nhiên, những người phụ nữ Mông xã vân Hồ nói riêng và người Mông ở các vùng miền khác nói chung vẫn se lanh, dệt vải để may quần, áo, xà cạp, vừa giữ gìn nét đẹp mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình và góp phần tạo nên sự đa dạng trong trang phục của các dân tộc anh em vùng cao trên quê hương Sơn La.