
Mường Lát là huyện biên giới phía tây Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh gần 300 km. Nơi đây địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên được mệnh danh là vùng “ma thiêng, nước độc”. Mường Lát theo tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”, bởi mùa mưa ở đây, nước từ các con suối đổ về, tràn qua các làng bản rồi đổ vào lòng sông Mã, gây ra nhiều trận lũ dữ.
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời…”, câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến nổi tiếng đã phần nào khắc họa cái cheo leo, hiểm yếu của vùng biên ải thâm sơn cùng cốc này. Nhiều địa danh ở đây cũng đã đi vào bài thơ của Quang Dũng như: “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi…”.
Tháng 7, bầu trời nắng như đổ lửa ở miền biên viễn giáp Lào, xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trong chuyến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ có sự tham gia của gần 40 người là con em của các CCB Tây Tiến và một số người yêu Tây Tiến. Tiếp đón đoàn có đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cùng các cán bộ Phòng Văn hóa-thông tin của huyện, các đồng chí lãnh đạo xã Mường Lý…
Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Minh Xiết – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, phía lãnh đạo huyện cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa như dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mường Lát và thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn huyện. Cùng với đó, chính quyền các cấp ở huyện Mường Lát tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách người có công của Đảng, Nhà nước; quan tâm, giúp đỡ các gia đình chính sách bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Trên hành trình từ thị trấn Mường Lát lên tới điểm di tích Bia lưu niệm Tây Tiến ở bản Sài Khao, xã Mường Lý. Mặc dù đường sá ghập ghềnh, bị sạt lở rất khó đi sau những ngày mưa lớn liên tiếp, song các thành viên trong đoàn đã quyết tâm, nhiều đoạn phải xuống xe cùng nhau nhặt đá kè lại đường để xe vượt qua, thậm chí phải đi bộ hàng cây số để giảm trọng tải cho đoàn xe, nhiều thành viên trong đoàn rất mệt mỏi giữa tiết trời nắng như đổ lửa trên đường lên đỉnh Sài Khao.

Được biết, Sài Khao là trong 16 bản của xã Mường Lý, nằm cách trung tâm xã khoảng 22km về phía Tây. Từ trung tâm xã, đi qua bản Muống II và bản Xu Lung khoảng 7km đến suối Phót, rẽ phải men theo suối Phót để vào đường Trung Tiến 1 đi qua Trung Tiến 2 khoảng 2km thì rẽ trái men theo khe suối Pá khoảng 4km thì đến bản Trung Thắng. Từ bản Trung Thắng, theo hướng trái, ngược dốc chạy thẳng đến bản Sài Khao.
Cung đường lên Sài Khao là một tuyệt phẩm hùng vĩ và tráng lệ mà tạo hóa đã kì công tạo dựng, vừa để thử thách lòng người vừa biến mọi thứ nơi đây trở nên đặc biệt khó lẫn. Những ngày hè, từ chân núi, trong khi nhiệt độ và không khí khá nóng, oi bức thì khi đến đỉnh núi, mà Tén Hóm vào dạng cao nhất ở Sài Khao (cao trên 1.052m), lập tức nhiệt độ hạ xuống, cả bầu trời chuyển sang mát dịu, se lạnh. Trên đỉnh núi, sương bảng lảng xen vào từng ngọn cỏ, cành cây, sà áp vào mặt người trong từng nhịp thở.

Những hôm trời nắng, sương tan nhanh hòa lẫn vào mây trắng rồi dồn thành dải dài như lụa mềm quấn quanh lưng chừng núi hay neo trên những mái nhà thấp thoáng dưới rừng cây. Sài Khao mùa nắng nóng vẫn như một Đà Lạt của miền biên viễn, bồng bềnh trong sương và gió. Sắc hoa mận, hoa ban đầu hạ nở trắng miên man, phủ kín những cung đường thẫm đỏ màu đất ngoằn ngoèo nối từ triền núi này sang triền núi khác.
Giữa lưng chừng triền núi, ngoài màu xanh cây rừng và cỏ tranh, là những chiếc váy sặc sỡ đỏ hồng của những người phụ nữ Mông đi làm nương. Những thửa ruộng bậc thang trải đều, bám theo triền núi uốn cong như đợt sóng. Chiều đến, ánh hoàng hôn nhuộm màu vàng ngà, tĩnh lặng mênh mông nhấp nhô theo dáng núi im lìm bất tận.


Vẻ hoang sơ mà kì vĩ của đất trời Sài Khao vào lúc bình minh mới chớm có thể khiến lữ khách liên tưởng đến khoảnh khắc chuyển đổi kì diệu khi lớp sương mỏng bắt đầu tan trên lá và cất mình lên không trung. Vậy nhưng, vào mùa đông, nhiệt độ Sài Khao xuống thấp, hơi rét căm căm, đường trơn trượt, bùn lầy dưới những đợt mưa rừng không ngớt.
Những vách núi đá dựng đứng ngả sang màu xám, sừng sững dưới màn sương dày đặc. Sài Khao bốn mùa đều là hiện thân của khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng là nơi chốn cuốn hút chân người. Phàm đã đến Mường Lát mà không đến Sài Khao thì hành trình mất thú vị. Phàm đã tuổi trẻ thanh xuân mà chưa chinh phục Sài Khao thì cơ hồ không đủ dư vị lắng sâu.
Trong tiếng Thái, Sài Khao có nghĩa là “cát trắng”, một phần có lẽ vì trong cấu trúc địa chất ở Mường Lý nói chung, phân bổ chủ yếu dạng đất pha cát với thành phần cát thô chiếm trên 60%. Dân cư trong bản 100% là người Mông và họ Vàng là họ chủ yếu.
Những ngôi nhà sàn thưng gỗ ẩn mình không đủ làm Sài Khao trù phú nhưng trầm tích văn hóa Mông thì vẫn được lưu giữ ít nhiều theo những bước chân an cư lạc nghiệp. Hằng năm, vào ngày 19 tháng 9 âm lịch, dân bản tổ chức lễ cầu may cho bản thân và gia đình sức khỏe, bình yên, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt.
Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh cao Sài Khao, chúng ta có thể quan sát được dãy Pha Luông kỳ vĩ ẩn hiện trong mây trắng. Đại ngàn Pha Luông có độ cao gần 2.000m, án ngữ khu vực biên giới Việt Lào, nằm ở phía Đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km.

Ông Hà Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, phía Đảng ủy, UBND xã đã tích cực tuyên truyền ý nghĩa về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đến tới các vùng bản bà con nhân dân. Cùng với đó, những hoạt động giao cho Đoàn thanh niên tích cực bám sát quần chúng nhân dân, đặc biệt là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”.


Bà Vi Thị Trúc – Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Mường Lý chia sẻ: “Đoàn thanh niên xã cũng đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa tri ân ngày Thương binh liệt sĩ năm nay trên địa bàn xã Mường Lý nói chung, đặc biệt tại bản Sài Khao khu vực di tích Bia lưu niệm Tây Tiến cho thanh niên đoàn ra rào phát xung quanh, tân trang lại…trong những ngày này phía đoàn thanh niên xã cũng phối hợp với các bạn đoàn thanh niên Đại học Thương Mại Hà Nội đi thăm và động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình thương binh, liệt sĩ…”.
Cùng với đó, đoàn đã dâng hương, hoa, làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Tây Tiến đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người con trí thức hào hoa của Hà Nội đã cống hiến tuổi thanh xuân, thực hiện cuộc trường chinh gian khổ, cùng với đồng bào các dân tộc Tây Bắc giữ vững mặt trận miền Tây theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đặc biệt, Đoàn đã trao tặng 5 triệu đồng bố sung cho Quỹ khuyến học của Trường tiểu học Tây Tiến ở Sài Khao, nơi mà Ban liên lạc Truyền thồng Tây Tiến đã gây dựng Quỹ này từ năm 2021, cùng thời điểm khánh thành Bia lưu niệm Tây Tiến tại đây; tặng quà 2 triệu đồng cho các cô giáo trường mầm non Tây Tiến để cùng chia sẻ những khó khăn của các cô. Đoàn còn tặng hai thùng sách, truyện cho thư viện của trường tiểu học.

Trao đổi với bà Bùi Phương Thảo – Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Tây Tiến (con gái của Nhà thơ Tây Tiến Quang Dũng) bà xúc động chia sẻ: “Cuối tháng 11/2020, công trình bia lưu niệm Tây Tiến ở bản Sài Khao (xã Mường Lý, tỉnh Thanh Hóa) đã được khánh thành. Bia tưởng niệm mang ý nghĩa lịch sử và là tình cảm, tấm lòng tri ân của những người yêu mến đoàn quân Tây Tiến oai hùng…Trong những ngày này Đoàn Ban Liên lạc Truyền thống Tây Tiến đã tổ chức hành trình tri ân anh hùng liệt sĩ và kỷ niệm 75 năm thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến, bằng nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – Đền ơn đáp nghĩa”…”.





Cuối tháng 2/1947, do yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ bảo vệ khu vực miền Tây chiến lược, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia quyết định thành lập mặt trận miền Tây (Tây Tiến). Cùng thời gian này, Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập với nòng cốt là các chiến sĩ Tây Tiến I. Trung đoàn này đã chặn đứng âm mưu nham hiểm của địch là muốn chiếm giữ vùng cao để khống chế, làm bàn đạp tấn công xuống đồng bằng. Phương thức hoạt động của bộ đội chủ yếu là vừa chiến đấu vừa làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng và địch vận, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa, mở rộng khu vực tự do.
Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải… Trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng họ vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm.
Năm 1954, Trung đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” để ghi danh các chiến công lừng lẫy ở mặt trận Tây Bắc; đồng thời được tặng 8 Huân chương Quân công và 218 huân chương các hạng.