Trang chủ Văn hóa – Thể thao Nhớ mùa sim chín mang cả “bầu trời” tuổi thơ

Nhớ mùa sim chín mang cả “bầu trời” tuổi thơ

ĐT24H - Cứ mỗi mùa sim về, trong tôi lại nhớ quê hương da diết. Hình ảnh những quả sim chín tím, căng mọng luôn gắn liền với năm tháng tuổi thơ, một thời lam lũ, cắt cỏ, chăn trâu của trẻ em nghèo miền núi.

Hoa sim lúc mới nở có màu hồng rồi tím dần và khi sắp tàn thì chuyển dần sang màu hồng phai

Những trái sim tím như chắt lọc vị đất, màu nắng và hương gió để tạo cho đời những dư vị ngọt ngào đẹp nhất của thôn quê yên bình.

Đối với những người con sinh ra ở các vùng quê được bao bọc bởi đồi núi trập trùng, có lẽ không ít người đã có ký ức tuổi thơ không thể thiếu màu tím hoa sim. Riêng với tôi hình ảnh những đồi sim tím là những ký ức tuổi thơ đi theo suốt năm tháng.

Cây sim không chỉ gắn liền với tuổi thơ với một thời cắt cỏ, chăn trâu của những trẻ em miền núi nghèo, mà còn là hình ảnh gắn liền với những người lính trên những chiến trường xưa, những đồi núi với bạt ngàn màu tím hoa sim, với những nỗi nhớ của những anh lính xa quê.

Nhà tôi tựa lưng vào Suối Hai Sơn, phía đối diện đồi Đánh Mõ, cạnh con đường dốc bà Nhuận hướng vào những ngọn đồi Bích, đồi bà Dân… đó là những địa danh ngọn đồi miền trung du ở Phú Thọ. Trong ký ức xa xưa của đám trẻ con, trong đó có tôi, mùa sim bao giờ cũng là mùa được trông đợi nhất. Bởi nó được xem như là một thứ lộc trời. Sim chẳng của riêng nhà nào, người ta cũng chẳng trồng sim; nó lặng lẽ mọc trên các đồi núi thấp thành những trảng cây bụi giữa đất trời. Mỗi năm một mùa cho hoa, mỗi năm một mùa cho quả.

Mỗi độ những đám mây bàng bạc lững lờ trôi về phía mùa thu, trời không còn đổ lửa và hoa cúc đã căng tràn hạt nắng, đó là lúc đồi sim tím thơ mộng; những chùm quả đã ấp ôm vị ngọt trong lòng hoa chỉ rộ lên như thế vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, quả chín vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Người ta thường nói màu tím bao giờ cũng bát ngát, man mác gợi một niềm thương, sắc tím của hoa sim nhẹ nhàng, dung dị nhưng chứa cả một khoảng trời mộng mơ, của những ngày hè ấu thơ, khi ta còn nhỏ.

Khó có thể phân định được màu sắc của hoa sim khi nói nó thuộc cụ thể một màu hồng nào trên bảng màu hồng chi tiết. Bởi tùy đất, tùy nắng, tùy gió, mỗi nơi hoa sim lại có những màu sắc thú vị. Hoa sim nhìn thì tưởng màu trắng nhưng không phải. Màu hồng cũng không. Nó là sự giao thoa giữa màu trắng và màu hồng trên từng cánh hoa mà thành.

Cánh hoa sim khi nở có hình màu hồng rồi tím dần vào đến nhụy. Hoa nở cứ theo ngày mà phô phang màu sắc và nhạt dần, tạo thành một thảm màu sắc của sự hòa phối thú vị giữa những chùm hoa trắng hồng bắt mắt.

Sim chín, vỏ quả màu tím bầm, quả căng tròn, thưởng thức một quả thấy vị ngọt, thơm lừng như mật quyện nơi đầu lưỡi…

Bở lẽ đó, sắc tím hoa sim đã đi vào thơ ca như một lẽ thường tình, để mỗi đêm hè trăng thanh gió mát đâu đó lại vang lên khúc hát: “Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím, chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim”. Hay những vần thơ “ngày xưa em thích hoa màu tím/ Tím cánh hoa sim tím thẫm tình/ Hoa tím em cài lên mái tóc/ Tím một trời mây tím mắt tim”. Trong đó, “Màu hoa sim tím” của thi sĩ Hữu Loan viết “ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ Áo nàng màu tím hoa sim/ Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ/ Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa…”.

Ngoài ra, cây sim còn có nhiều tên gọi khác như: Hồng sim, đào kim lang, là một loại cây yêu đất đồi, mọc thành nhiều cụm, nhiều gốc hoang dại ở các vùng núi, đồi trọc khắp đất nước ta, đây là một loại cây ưa cằn cỗi và gió đồi. Lá sim bóng mượt, không ráp và nhiều lông như lá mua. Mỗi buổi chiều chăn trâu, lũ trẻ thường hay bẻ cành lá trải xuống đất làm đệm nằm vừa êm vừa mát. Người già thì thường hay nhìn lá sim để đoán xem năm đó có mưa lũ hay không.

Theo Đông y, các bộ phận của cây sim từ lá, thân, rễ, hoa, quả đều có thể dùng làm thuốc. Trong đó, quả sim vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, lỵ, di tinh, băng huyết… Đặc biệt, quả sim tươi hoặc phơi khô dùng để ngâm rượu uống rất tốt, giúp tiêu hóa, chống đau nhức mỏi ở người cao tuổi.

Búp và lá sim non có tác dụng giảm đau, tán nhiệt độc, cầm máu, chữa đau bụng, ghẻ lở, chân lở loét… Rễ cây sim vị ngọt, hơi chua, chữa bệnh đau tim, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp cầm máu, giảm đau, dùng chữa viêm gan, đau bụng, băng huyết, phong thấp đau nhức, trĩ lở loét, bỏng lửa…. Trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ cây sim rất tốt như: Đau đầu, băng huyết, thổ huyết, viêm gan, lở loét, bỏng…

Những quả sim chín tím được ngâm với rượu để thành thứ rượu sim đặc sản

Về quê vào mùa này, dọc con đường mòn, bên những sườn đồi, ai cũng trầm trồ, ngỡ ngàng bởi một màu tím bao phủ khắp các triền đồi. Những cánh hoa mỏng, màu tím mềm như lụa khiến cho người ngắm biết bao cảm xúc. Tuy đất đồi cằn cỗi nhưng những quả sim con cứ lớn nhanh như thổi. Những quả nhỏ màu xanh được kết trái bởi những bông hoa tím ngắt. Khi lớn hết cỡ quả sim có màu da xanh xám, căng tròn, mấy ngày sau màu hung tím lộ dần từ cuống quả. Lúc này vỏ quả mang một màu tím bầm, quả căng tròn, thưởng thức một quả thấy vị ngọt, thơm lừng như mật quyện nơi đầu lưỡi, báo hiệu một mùa quả ngọt nơi núi đồi đã về đúng hẹn. Sim càng mọc ở trên núi càng ngọt.

Ngày bà ngoại tôi còn sống, mỗi khi hái những quả sim chín mọng từ cây xuống, bà thường dặn: “Người ta bảo, khi ăn sim thì nên ăn cả tai sim để tránh bị đau bụng. Những quả sim hái xuống cứ thế cho vào miệng nhai mà không cần phải bóc tách như những thứ quả khác con ạ”.

Ký ức tuổi thơ trong tôi luôn là những triền đồi hoa sim đẹp như thế. Ngày ấy, cứ mỗi mùa sim đến, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi lại có nhiều kỷ niệm đẹp. Nhớ nhất là những ngày cùng bạn háo hức đi hái sim, dù đã quen thuộc nhưng vẫn có cảm giác khó tả khi đứng giữa một đồi sim mênh mông. Sau đó, mỗi đứa ùa vào từng vạt sim, chọn những quả chín tím to nhất, căng mọng nhất để thưởng thức. Khi quay lại nhìn các bạn, đứa nào đứa nấy cũng một miệng tím như mực do ăn nhiều sim. Cứ thế nhìn nhau cùng cười vang cả một triền đồi.

Ăn thỏa thuê, từ từ chọn những quả sim chín mọng cho vào túi, nâng niu để sim khỏi dập mang về làm quà cho lũ em ở nhà… Có lẽ, đấy là những kỷ niệm mà chẳng đứa nào quên cho dù bây giờ mỗi đứa một nơi, bộn bề với những miếng cơm manh áo.

Sim chín ngoài để ăn chơi, người ta còn dùng ngâm rượu. Những quả sim chín tím được ngâm cùng với đường đến khi lên men, rồi lấy nước đó pha với rượu để thành thứ rượu sim đặc sản.

Bây giờ, mùa sim đang chín rộ, chắc hẳn không riêng gì tôi mà những đứa con sinh ra nơi đồi núi cũng mong có ngày được về nghỉ, trèo đồi hái những quả sim chín tím mọng, hít thở cái hương vị của đồi núi, tìm về với những ký ức tuổi thơ một thời.

Tác giả là người con quê hương xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ – nơi có những đồi sim tím lịm. Bài viết là mạch cảm súc của tác giả khi hồi tưởng về tuổi thơ, về mùa hoa sim chín vùng Trung du miền núi phía Bắc.
RELATED ARTICLES

Cuộc cách mạng “ 5 có, 5 không” trong đồng bào người Mông Sơn La

Các phong tục, hủ tục của người Mông được cải thiện, tiến bộ, đời sống ngày càng được nâng cao. Ảnh: Nam Trứ. Theo đó,...

Ca sĩ Mạnh Cường tri ân đêm nhạc “Điều giản dị” đầy cảm xúc lắng đọng, ngọt ngào

Ca sĩ Mạnh Cường. Ảnh: Phi Long. Khán giả Hà thành đã có những cảm xúc lắng đọng, ngọt ngào khi thưởng thức các phần...

Sơn La: Khai mạc Lễ hội “Trên quê hương vợ chồng A Phủ” năm 2023

Đây là lần đầu tiên xã Hồng Ngài tổ chức Lễ hội trên quê hương vợ chồng A Phủ. Lễ hội được tổ chức gồm...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Bí ẩn loại trà quý hiếm đắt nhất hành tinh, giá gần 13 tỷ đồng/kg có gì đặc biệt?

Trà Phổ Nhĩ là một trong những loại trà đắt đỏ nhất hiện nay. Các loại trà quý hiếm từ lâu đã có giá cao...

“Đậm đà bánh sắn Đất Tổ” – Thứ quà quê dân dã

Bánh sắn là thứ quà quê dân dã mọi người nhớ mãi khi về vùng Đất Tổ. Cho đến vài năm trở lại đây, món...

Fìn Hồ Trà – Đặc sản vùng đất Phìn Hồ

“Minh chứng sống” cho cây chè Shan tuyết ở Phìn Hồ Cụ là Triệu Mùi Nghính - gương mặt “đại diện thương hiệu” của các...

Hải Phòng: Giống gà quý hiếm ở Cát Bà cần có phương án bảo tồn

Những con gà có bộ lông vàng óng, đôi chân dài tới 30cm vô cùng bắt mắt, ai nhìn cũng phải thốt lên và...

Recent Comments