Chùa Thầy nhìn từ trên cao (Nguồn ảnh: Internet)
Tổng quan về lễ hội Chùa Thầy
Chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, được xây dựng từ thời Đinh, là di sản văn hóa quý của đất nước. Chùa Thầy còn có tên gọi khác là chùa Thiên Phúc Tự, chùa được xây dựng thời nhà Lý, triều đại mà Phật giáo được coi trọng. Tọa lạc nơi địa hình đẹp nhất, nơi đây không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015, mà còn là “Địa chỉ đỏ” trong các cuộc kháng chiến. Ngôi chùa cổ kính này là nét đẹp văn hoá và niềm tự hào của người dân xứ Đoài.
Chùa Thầy thật xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt bởi lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo với nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. Quần thể kiến trúc chùa Thầy gồm: Chùa Hạ, Chùa Trung, chùa Thượng, gác Chuông, gác Trống, chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Long Đẩu, đền Thượng, đền Quán Thánh, đền Văn Xương… Điểm đặc biệt là tất cả các công trình đều tọa lạc trên đất thiêng gọi là “hàm rồng”. Sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai cầu Nhật – Nguyệt được ví như hai râu rồng, nhà thủy đình trên hồ Long Trì là “viên ngọc” mà rồng vờn.
Giá trị kiến trúc nổi bât của chùa Thầy nằm ở ba tòa tượng của chùa Cả là Tiền Đường – Điện Phật – Điện Thánh xếp hình chữ “Tam” nằm song song với nhau, một dấu ấn đặc trưng cả của kiến trúc thế kỉ XVII. Nếu nhìn từ ngoài vào sẽ thấy được sự đồ sộ với rất nhiều cột kèo, trụ… Hai bên hành lang dài thờ 18 vị La Hán, phía sau là gác chuông và gác trống. Ngoài ra chùa Thầy còn có hệ thống tượng pháp phong phú với nhiều chất liệu, tiêu biểu như có bộ tượng Di Đà Tam là bộ tượng có niên đại sớm nhất; đặc biệt là tượng Thánh Từ Đạo Hạnh bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám thờ gỗ, chạm cao khoảng 1,6m. Chùa Thầy được xây dựng như một biểu tượng Phật giáo qua đó muốn truyền tải nhiều ý nghĩa của biểu tượng phật giáo cũng như khát vọng, mong muốn của người dân.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc tiêu biểu, chùa Thầy hiện đang là nơi lưu giữ rất nhiều bảo vật quốc gia có giá trị cả về nghệ thuật tạo hình, lẫn giá trị trừu tượng Phật giáo. Một số hiện vật có giá trị đặc biệt như bệ đá hoa sen Phật có sư tử đội thời Lý, bệ đá hoa sen hai tầng “Bách hoa đài” thời Trần, chiếc khám thời Mạc, bệ tượng Lý Thần Tông cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, nhang án thế kỷ XVII cùng hạc gỗ, tượng phỗng thế kỷ XVIII… Chùa Thầy có nhiều tượng hậu dưới hình thức phù điêu nổi khối cao dân dã…
Chùa Thầy ở Sài Sơn là ngôi chùa gắn liền mật thiết với cuộc đời của pháp sư Từ Đạo Hạnh. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ của nghề múa rối nước, vị pháp sư có công chữa bệnh và dạy học cho dân trong làng. Lễ hội chùa Thầy sẽ diễn ra từ ngày mùng 5/3 đến ngày mùng 7/3 âm lịch hằng năm.
Lễ hội chùa thầy
Phần lễ
Lễ Mộc dục: Trong không khí trang nghiêm, lễ Mộc dục diễn ra vào sáng mùng 5. Lễ Mộc dục hay còn được gọi là lễ tắm tượng, lúc này khám thờ Đức Thánh Tổ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh mới được mở ra để các cụ cao niên trong làng bao sái, vệ sinh và thay áo cho ngài. Khi tham gia nghi lễ, các cụ phải mặc trang phục chỉnh tề: Áo the, khăn xếp, quàng khăn bịt khẩu.

Lễ phụng nghênh bài vị và cúng An vị: Đây là nghi thức nối tiếp của phần lễ. Lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo từ tọa điện Thánh xuống tòa chùa Trung để tế đức Thánh. Nghi lễ bắt đầu bằng bài đọc kinh trong làn hương khói nghi ngút. Sau đó nhà sư và các bô lão sẽ tiến hành tắm tượng thành. Tượng được lau rửa cẩn thận, kỹ lưỡng bằng nước thơm và thay áo mới. Bài vị của thánh sẽ được khiên cẩn thận, dọc lối đi xuống là hàng bô lão đeo tràng hạt, cầm phướn, bài vị được rước yên vị ở tòa chùa Trung. Lễ cúng Phật trang nghiêm lộng lẫy và cuốn hút người xem. Lúc này mọi lễ vật chính đã được dâng và khách thập phương có thể dâng lên các ban thờ gồm hoa, quả, oản, xôi, chuối, bánh trái… Nghi lễ là một diễn xướng có tính chất tôn giáo, phối hợp với các nhạc cụ trong một không gian trang trọng linh thiêng.
Lễ tế và lễ rước: Vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, các thôn trong làng sẽ yết kiến chùa Thầy, đi đầu đám rước là các vải cầm phướn, cụ công đi hộ lệ và sau cùng là cờ ngũ phương, chấp kích, chiêng, trống. Buổi lễ rước kiệu của các thôn thuộc xã Sài Sơn, đây là phần lễ được người dân coi là quan trọng và cốt yếu nhất. Vì vậy, rước kiệu cũng trở nên sang trọng và cầu kì hơn, phụ trách kiêng kiệu phải là những chàng trai khỏe mạnh nghiêm chỉnh trong thôn làng. Kiệu của thánh sẽ đi đến từng địa phận của làng để chúc mừng và cầu xin Thánh che chở ban phước cho dân làng.Trong nghi lễ này áo vàng của Thánh sẽ được thay bằng áo cà sa nhà phật để tái hiện lại quá trình tu luyện của Đức Thánh Từ ban đầu là tu tiên sau đó mới đắc đạo thành Phật.

Phần hội
Sẽ là một thiếu sót nếu đã đến với lễ hội chùa Thầy mà không xem được hội múa rối. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông tổ của nghệ thuật múa rối nước nên chùa Thầy chính là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước. Hội múa rối nước được tổ chức trang trọng ở Thủy Đình. Các tiết mục múa rối nước tái hiện lại những hình ảnh làng quê, sinh hoạt đời thường rất giản dị và thân thuộc. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân kết hợp nhịp nhàng giữa tiếng nhạc và lời hát các con rối như được thổi hồn, sinh động và tạo nên sức hút đối với người xem. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám… Hội múa rối là phần hội không thể thiếu và được mong chờ nhất trong lễ hội chùa Thầy.

Ngoài hội múa rối nước, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian độc đáo, sôi động như trò bịt mắt đập niêu, kéo co, các làn điệu dân ca chèo cổ cũng được biểu diễn trong không khí tưng bừng của ngày hội.
Nhiều du khách đến lễ hội chùa Thầy còn để tham quan, thưởng thức cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Bạn có thể leo núi để tự do ngắm cảnh vật và cảm nhận không gian yên ắng, không khí trong lành. Ngoài ra, đây còn là dịp du khách được về thăm vùng quê gắn với những huyền tích của những danh nhân, thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây để làm giàu thêm giá trị truyền thống của vùng danh lam thắng cảnh này.
Ý nghĩa của lễ hội chùa Thầy
Lễ hội chùa được tổ chức hàng năm vào 3 ngày từ ngày mùng 5/3 đến 7/3 (Âm lịch). Lễ hội tưởng nhớ công lao của Đức Thánh nên là lễ hội tâm linh là nét tín ngưỡng văn hóa dân gian đáng quý của dân tộc ta. Với những giá trị văn hóa, tinh thần lễ hội gắn kết các cá nhân trong cộng đồng và là một cơ sở để duy trì sự gắn kết cộng đồng cốt lõi của việc đoàn kết dân tộc. Hội chùa Thầy diễn ra hàng năm là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo, thỏa mãn được các hoạt động tín ngưỡng của con người. Lễ hội là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con người, người dân đến với chùa Thầy để cầu tình duyên, cầu may mắn, tiền tài…
Đi lễ chùa Thầy cần gì?
Khi đi lễ ở chùa Thầy cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng. Đường đi có nhiều đoạn leo núi nên bạn cần mang đôi giày thể thao có độ bám chắc tránh trơn trượt, các bạn nữ không nên mang giày cao gót. Lễ hội chùa Thầy tuy không được tổ chức linh đình nhưng với sự uy nghiêm, huyền diệu của ngôi chùa kết hợp với các phần lễ và phần hội hết sức vui nhộn luôn khiến chùa Thầy trở thành điểm đến lí tưởng của du khách. Chính vì vẫn giữ được những hơi thở sống động của ngôi chùa nghìn năm tuổi, nên chùa Thầy vẫn luôn là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc… và là chốn an yên, nghỉ ngơi con người muốn tìm về.
Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền địa phương đã quyết dịnh không tổ chức phần hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các hoạt động phần lễ vẫn được tổ chức theo phong tục địa phương với hình thức thu gọn, không rước lễ. Tuy nhiên, từ ngày 10/2/2022, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy đã chính thức mở cửa để đón khách thập phương về thăm quan, lễ bái nhưng có nhiều hạn chế về số lượng và du khách cần tuân thủ các quy định chống dịch của Bộ Y tế.