Như bao thanh niên khác sinh ra và lớn lên trong thời chiến, ông xung phong lên đường nhập ngũ với lá đơn ký bằng máu, đem theo tuổi thanh xuân và sức trẻ của mình ra chiến tuyến, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Trải qua thời gian khắc nghiệt, gian khổ, đối mặt với những giờ phút sinh tử trên chiến trường B khói lửa, lại là những trải nghiệm quý báu đã tôi luyện tạo nên một Nhà báo Phạm Đông bản lĩnh, kiên cường, không ngại khó, không ngại khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 1970, sau khi bị thương ở chiến trường Quảng Trị, ông được chuyển về công tác tại Đài Phát thanh Hà Nội (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội).
Từ năm 1983, ông chính thức gắn bó với chuyên mục “Chuyện kể ở đại đội” và làm nên thương hiệu với câu nói nổi tiếng “Các đồng chí ạ..”. Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, âm sắc riêng biệt, giọng kể của NSƯT Phạm Đông vừa cất lên đã vô cùng thu hút và gây ấn tượng cho người nghe vì khả năng đọc giả giọng hóa thân vào rất nhiều nhân vật. Vừa lúc trước ông là một sĩ quan “hét ra lửa”, ngay lập tức lại vào vai một cô gái với giọng nói ngượng ngùng e ấp, lúc thì lại là một anh lính trẻ tinh nghịch, sau đó có thể là một ông già người miền núi hoặc một bà mẹ nông thôn với giọng nói hiền lành chất phác… Đến nay, hơn ba thập kỉ với gần 2000 câu chuyện được kể là dấu ấn mà NSƯT Phạm Đông để lại trong lòng thính giả vô cùng sâu sắc và không thể phai mờ.

Sau hơn ba chục năm gắn bó với rất nhiều các chương trình trên sóng phát thanh, tên tuổi của Nhà báo, NSƯT Phạm Đông đã trở lên rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán thính giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Không chỉ là một nhà báo năng nổ, mà ông còn là tác giả của nhiều kịch bản phim, sân khấu, và đặc biệt Ông còn tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim truyền hình như: “Mùa lá rụng trong vườn” vai Nhà báo Luận; “Ảo tưởng sụp đổ” vai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; vai Đại úy Trưởng công an phường trong vở kịch truyền hình “Pháp luật và tình thương”… Ông còn là đạo diễn nhiều bộ phim và vở kịch truyền hình; từng phụ trách tổ tường thuật bóng đá những năm 1970; Chủ nhiệm CLB thời sự; Phóng viên chiến tranh; Biên tập văn nghệ… Dù ở cương vị nào ông cũng là người cống hiến tậm tâm, say mê với nghề.
Truyền hình và Phát thanh gần như chiếm trọn quỹ thời gian của ông. Ông có tác phong làm việc cởi mở, chân tình nhưng lại cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công việc. Ông đối với đồng nghiệp hậu bối và cấp dưới luôn thân thiện, gần gũi và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để công việc được xử lý một cách tốt nhất. Anh em, bạn bè, đồng nghiệp khi làm việc với NSƯT Phạm Đông đều có được động lực mạnh mẽ và luôn có cảm giác bị ông “đẩy lên phía trước”, luôn phải nỗ lực làm việc hết mình chứ không được phép dừng lại hay lùi bước, thường xuyên kết nối cùng chỉnh sửa, trao đổi, gợi ý, tranh luận… để tìm ra cái tốt nhất trong từng chi tiết của tác phẩm, hay bài viết sao cho hay nhất.

Chính vì tinh thần làm việc vô cùng trách nhiệm và hết mình, không tiếc thời gian cùng các cộng sự chăm chút trong từng bài viết, từng tác phẩm như vậy nên ông luôn tập hợp được xung quanh mình những đồng nghiệp tâm huyết và đam mê cháy bỏng. Ngoài ra NSƯT Phạm Đông cũng được biết đến với khả năng bồi dưỡng và phát hiện ra nhiều nhân tài trên cả hai lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình để tìm ra những lớp trẻ kế tiếp tài năng.
Từ đam mê đến thành công, để có một sự nghiệp vững chắc cùng những thành tựu như ngày hôm nay là cả một chặng đường lao động và làm việc miệt mài không biết mệt mỏi của Nhà báo, NSƯT Phạm Đông. Trong các cuộc liên hoan Truyền hình toàn quốc, ông đã được tặng thưởng 3 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc, và nhiều Bằng khen. Trong sự nghiệp cống hiến của mình, ông đã nhận được nhiều Bằng khen của các Bộ, ban, ngành như: Ủy ban Phát thanh – Truyền hình; Bộ quốc phòng; Bộ công An; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,… và được tặng thưởng nhiều Huy chương của các Bộ ngành như: Vì an ninh tổ quốc; Vì thế hệ trẻ; Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, Vì sự nghiệp Phát thanh, vì sự nghiệp Truyền hình; Vì sự nghiệp Hữu nghị giữa các dân tộc; Vì sự nghiệp Công đoàn; Vì sự nghiệp Điện ảnh; Vì sự nghiệp Sân khấu…

Trong suốt quá trình lao động nghệ thuật của mình, sự đóng góp của Nhà báo, NSƯT đối với lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình là không thể phủ nhận. Các tác phẩm của ông từ những câu chuyện trong chiến tranh, đến những vở kịch, kịch bản phim truyện… đều chứa đựng trong đó đầy tính nhân văn, những bài học cuộc sống có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ thanh niên noi gương học tập. Ông cũng là một người Thầy tận tâm đã và đang dẫn dắt biết bao những thế hệ nhà báo, biên tập viên trẻ từ khi mới vào nghề cho đến khi được vững vàng như ngày hôm nay. Trên bất kì cương vị nào, là một nhà quản lý hay một đồng nghiệp, giữ nhiều trọng trách như vậy, NSƯT Phạm Đông luôn để lại ấn tượng với những người đã có dịp tiếp xúc với ông là một người nghệ sĩ say mê, hết mình với công việc, trách nhiệm mà thân thiện, giản dị mà tinh tế. Đối với NSƯT Phạm Đông, mỗi công việc ông làm không phải là “việc” nữa mà là một cơ hội để ông được xả thân cống hiến những cái hay, cái đẹp dành cho đời, xa mà lại gần với cuộc sống của mỗi gia đình, khát vọng của mỗi con người.