Xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn là lợi thế trong sản xuất và cấp nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ của các doanh nghiệp chè trên địa tỉnh Phú Thọ.
Đến nay, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,2 nghìn ha; trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Chè được trồng tập trung tại các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ (chiếm 97,9% diện tích). Hiện toàn tỉnh đã có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn (chiếm 24,1% diện tích chè cho sản phẩm, trong đó đạt tiêu chuẩn RFA, UTZ 1,95 nghìn ha).
Trong đó, chè Phú Thọ có 2 sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè đen. Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%. Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao khoảng 12,2 nghìn ha, cơ cấu giống khá đa dạng. Hiện cây chè được trồng tập trung tại các huyện Đoan Hùng, Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Ba, Phù Ninh, với diện tích hơn 16.200ha; năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 111,2 tạ/ha, xếp thứ 4 về diện tích và đứng thứ 3 về sản lượng so với 28 tỉnh sản xuất chè trong cả nước. Từ lợi thế về phát triển cây chè đã hình thành nhiều cơ sở chế biến, tiêu thụ chè tươi, chè khô, chè thành phẩm, cung cấp đa dạng các sản phẩm chè cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…
Toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 19 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước xây dựng thương hiệu chè riêng cho mình như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ trà… Hiện đã hình thành nhiều làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh (Làng nghề chè Chùa Tà, làng nghề chế biến chè Ngọc Đồng, Hoàng Văn, Đá Hen, làng nghề sản xuất chè Phú Thịnh…). Một số doanh nghiệp tham gia chế biến sâu kết hợp với xây dựng thương hiệu sản phẩm như Công ty TNHH MTV Thế hệ mới Phú Thọ, cung cấp ra thị trường sản phẩm chè túi lọc, nước trà đóng hộp – đóng chai, bột trà xanh Matcha, trà sữa tươi…

Nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè của Phú Thọ đã xâm nhập một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada…
Năng suất, chất lượng chè Phú Thọ đã tăng lên đáng kể, tuy vậy, hiệu quả kinh tế đem lại từ cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi giá trị gia tăng mang lại từ cây chè chưa cao; nhiều hộ trồng chè còn mang nặng tập quán, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chỉ sản xuất bán thành phẩm hoặc dưới dạng thô, không có bao bì, nhãn mác nên giá bán thấp.
Trước thực trạng trên, nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chè, tỉnh ta đã tập trung thực hiện các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè Phú Thọ. Toàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp/hợp tác xã đăng ký bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ như chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ Trà; nhãn hiệu tập thể, gồm chè xanh Yên Kỳ- Hạ Hòa, chè xanh Phú Hộ (HTX Phú Thịnh) – Thị xã Phú Thọ, chè xanh Chùa Tà – Phù Ninh, chè Long Cốc – Tân Sơn; chè xanh Dốc Đen – Thanh Ba.
Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ”.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc làm cho người tiêu dùng biết đến hàng hóa của doanh nghiệp đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể, có thể vượt quá ngân sách của nhiều doanh nghiệp. Với quy mô sản xuất nhỏ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn khi phát triển một chiến lược marketing hiệu quả cho phép định vị sản phẩm và tạo danh tiếng cho hàng hóa để hấp dẫn người tiêu dùng. Riêng đối với sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này là cùng hợp tác, cùng phát triển một chiến lược marketing chung, sử dụng chung một nhãn hiệu gắn với địa danh nơi sản xuất sản phẩm. Một trong những hình thức xây dựng nhãn hiệu có thể được sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại địa phương, đồng thời có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền chính là nhãn hiệu chứng nhận (NHCN).

NHCN có thể cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm trên thị trường và xây dựng danh tiếng sản phẩm. Người tiêu dùng được chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. NHCN là công cụ giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, từ đó mở rộng, phát triển ngành sản xuất của địa phương. Thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ”, đến nay đã xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu, sản xuất Chè Phú Thọ mang NHCN; xây dựng Quy chế sử dụng NHCN “Chè Phú Thọ”; hệ thống các văn bản, công cụ phục vụ công tác quản lý và khai thác, phát triển NHCN “Chè Phú Thọ”; đã lựa chọn 3 đơn vị đưa vào xây dựng và vận hành mô hình liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm mang NHCN “Chè Phú Thọ” theo chuỗi giá trị. Lựa chọn 5 doanh nghiệp dự kiến hướng dẫn lập hồ sơ để được cấp quyền sử dụng NHCN Chè Phú Thọ trên sản phẩm của mình.
Ông Khổng Danh Đạt – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, xây dựng thành công NHCN “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của địa phương sẽ góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trên thị trường; tăng giá trị và uy tín của sản phẩm cũng như thu nhập, đời sống của người dân… và để đảm bảo sản phẩm chè mang NHCN “Chè Phú Thọ” đáp ứng các tiêu chí chất lượng khi lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu chè đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, Sở khoa học Công nghệ đã ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang NHCN “Chè Phú Thọ” để kiểm soát chặt chẽ và có giải pháp phù hợp nhằm duy trì đặc tính chất lượng của sản phẩm chè mang NHCN “Chè Phú Thọ”./.
Xuân Sỹ (TH)